Bức tranh thế giới dị biệt ở hòn đảo có đến 10% dân số bị 'mù màu'

Thế giới dưới lăng kính của những đôi mắt 'mù màu' là như thế nào, chắc hẳn là điều khiến bạn rất tò mò?

Hãy tưởng tượng một ngày bạn thức dậy, trước mắt chỉ được bao quanh bởi một bức tranh đơn sắc, không có những sắc màu rực rỡ định hình thị giác của chúng ta, điều tưởng chừng khó khăn ấy lại xảy ra với 10% dân số trên hòn đảo Pingelap nằm ở Thái Bình Dương.

Đảo san hô Pingelap được mệnh danh là hòn đảo của người mù màu - Ảnh: Sanne De Wilde

Pingelap là một đảo san hô thuộc bang Pohnpei, Liên bang Micronesia. Hòn đảo bao gồm ba đảo nhỏ: Pingelap, Sukoru và Daekae, được bao quanh bởi hệ thống rạn san hô rực rỡ. Đáng chú ý, Pingelap là hòn đảo duy nhất có người sinh sống với diện tích 455 mẫu Anh, nơi rộng nhất chưa đầy 4 km.

Đảo san hô Pingelap gây ấn tượng đầu tiên trên các phương tiện truyền thông chính thống vào năm 1996 với cuốn sách của Oliver Sacks và đặt cho nó biệt danh: "Đảo mù màu".

Sở dĩ hòn đảo Pingelap có biệt danh kỳ lạ này là bởi tỷ lệ người dân mắc chứng mù màu hoàn toàn cao hơn nhiều so với bình thường. Trong khi chứng mù xảy ra ở khoảng 1 trên 30.000 người trên toàn cầu, thì tỷ lệ mắc bệnh ở dân số nhỏ của Pingelap được cho là từ 4 đến 10%. Họ không thể phân biệt màu sắc, chỉ nhìn thấy thế giới bằng hai màu đen và trắng.

Những người mắc bệnh này bị giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng phân biệt màu sắc, cùng với các triệu chứng khác - Ảnh: Sanne De Wilde - Ảnh: Sanne De Wilde

Theo ghi chép, bí ẩn về "Đảo mù màu" bắt nguồn từ một thảm họa xảy ra vào năm 1775. Bão lớn càn quét đảo, khiến hầu hết dân số thiệt mạng. Chỉ còn lại 20 người sống sót, bao gồm cả Vua Doahkaesa Mwanenihsed, người mang gen mù màu. Do ảnh hưởng của chế độ phong kiến và luật tục cấm kết hôn với người ngoài đảo, vì thế gen mù màu được truyền lại cho nhiều thế hệ sau.

Tình trạng khác lạ của hòn đảo cùng những khái niệm vô cùng lạ lẫm về màu sắc của người dân nơi đây đã truyền cảm hứng cho Sanne De Wilde - một nữ nhiếp ảnh người Bỉ thực hiện loạt ảnh đáng kinh ngạc về di truyền học. Trong chuyến thăm Pingelap năm 2015, cô đã đặt mình vào "lăng kính" của những người mù màu để tạo ra một thế giới bí ẩn khác lạ nhưng đẹp đến ngỡ ngàng trong những đôi mắt mù màu.

Jaynard Robert, một đứa trẻ mắc căn bệnh mù màu, cho biết "nhìn thấy" hầu hết mọi thứ đều là màu đỏ. Vì vậy, De Wilde đã “phác thảo” lại thế giới quan của cậu bé bằng cách chụp ảnh qua kỹ thuật nhiếp ảnh hồng ngoại.

Ảnh: Sanne De Wilde

Trong khi một số người khác thì lại “tô màu” thế giới của họ bằng gam màu xanh lá cây cho dù đó là thứ màu mà họ rất hiếm khi nhận biết được. Nữ nhiếp ảnh gia tin rằng đây là cách người dân Pingelap chuyển tải tình yêu của họ đối với thiên nhiên quanh mình.

Ảnh: Sanne De Wilde

Theo mô tả của nữ nhiếp ảnh, Pingelap là "một chấm bé xíu giữa đại dương bao la xanh thẳm". Người dân trên đảo sống nhờ dừa và cá đánh bắt được, không có bất cứ hàng quán nào hay hoạt động nào náo nhiệt. Cứ thế, cuộc sống của những người dân hết sức “nguyên sơ”.

Những người mù màu vẽ bằng trí óc, họ sẽ tô màu thế giới bằng những cánh rừng màu hồng, biển màu xám - Ảnh: Sanne De Wilde

Bạn thấy đấy, có một thế giới thật sự khác lạ qua “đôi mắt” của những người mù màu. Dưới sự phác họa của Sanne De Wilde, đảo Pingelap hiện lên là một thiên đường nhiệt đới với thảm thực vật "màu hồng nhạt", biển cả "màu xám" và dân địa phương là những con người "đen - trắng".

“Những người mắc chứng mù màu rất nhạy cảm với ánh sáng, đó là một gánh nặng khi sống ở một hòn đảo nhiệt đới cực kỳ nhiều nắng như này. Họ rất khó mở to mắt khi đi ra bên ngoài”, nhiếp ảnh gia De Wilde chia sẻ.

Cho đến ngày nay, đảo san hô Pingelap vẫn là chủ đề được các nhà di truyền học trên thế giới đặt dấu chấm hỏi và tò mò khám phá.

Thảo Nguyễn

Nguồn : https://vtcnews.vn/buc-tranh-the-gioi-di-biet-o-hon-dao-co-den-10-dan-so-bi-mu-mau-ar863590.html